Nhuỵ lưỡi lá nhỏ: dùng trị sưng amydal cấp tính
Nhuỵ lưỡi lá nhỏ, Thiệt thư lá nhỏ, Hương như – Glossogyne tennifolia Cass., thuộc họ Cúc – Asteraceae.
Mô tả
Cây thảo sống nhiều năm, cao 15 – 30cm hay hơn. Lá mọc chụm ở gốc thân, dài 4 – 8cm, không lông; phiến xẻ thành đoạn hẹp dài 7 – 15mm; cuống lá dài 2 – 4,5mm;, các lá ở thân dài 2,5 – 4cm, cùng chia thành đoạn. Cụm hoa đầu 6 – 8mm trên cuống mảnh, dài 4 – 8cm; lá bắc 3 – 4mm; có vẩy giữa các hoa; hoa ngoài hình môi, các hoa trong hình ống, lưỡng tính. Quả bế đen, cao 5mm, có 2 gai có móc ngược.
Ra hoa vào mùa hè và mùa thu
Bộ phận dùng
Toàn cây – Herba Glossogynes Tennifoliae.
Nơi sống và thu hái
Loài phân bố ở Trung Quốc, Philippin, Malaixia và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc trên các đồi cát ven biển Thanh Hoá, Quảng Ngãi. Thu hái toàn cây vào mùa hè và thu; rửa sạch, phơi khô.
Tính vị, tác dụng
Vị ngọt, hơi đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, khư ứ hoạt huyết, lợi thấp tiêu thũng.
Công dụng
Ở Trung Quốc, cây được dùng trị: 1. Sưng amygdal cấp tính; 2. Viêm lợi răng; 3. Viêm nhánh khí quản; 4. Viêm ruột, ỉa chảy; 5. Viêm niệu đạo.
Liều dùng
10 – 15g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài trị herpet mọc vòng, mụn nhọt, viêm mủ da, đòn ngã tổn thương. Giã cây tươi đắp tại chỗ đau.
Đơn thuốc
Sưng amygdal cấp: Dùng lượng rễ cây với rễ cây Đơn buốt bằng nhau, cùng với một ít Long não Dryobalanops, tán bột và thổi vào họng.
Herpet mọc vòng: Rửa sạch cây tươi, giã nát, chiết dịch dùng xoa.
Để lại một bình luận