Nhọc đen: cây thuốc trị viêm dạ dày mạn tính
Nhọc đen, Nhọc rừng, Ran rừng – Polyalthia nemoralis DC., thuộc họ Na – Annonaceae.
Mô tả
Cây nhỡ, cao 1 – 4m, cành vặn vẹo lúc còn non, có lông sát. Lá mọc so le, hình mác, gốc nhọn, đầu tù, dài 9 – 18cm, không lông, gân phụ 9 – 11 cặp; cuống dài 5mm. Hoa nhỏ màu trắng, rộng cỡ 1cm, ở khoảng giữa hai lá, cuống ngắn. Quả tròn tròn, đường kính 5cm, nhẵn, màu đỏ, chứa một hạt.
Ra hoa tháng 4 – 7, kết quả tháng 7 – 12.
Bộ phận dùng
Rễ – Radix Polyalthiae Nemoradis.
Nơi sống và thu hái
Loài phân bố ở Trung Quốc, Việt Nam. Cây mọc ở rừng ẩm vùng núi và vùng trung du, mọc nhiều ở Lạng Sơn, Bắc Thái, Hà Bắc, Vĩnh Phú, Hà Tây tới Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế. Thu hái rễ quanh năm, rửa sạch, thái phiến, phơi khô dùng dần.
Tính vị, tác dụng
Vị ngọt, tính bình; có tác dụng bổ tỳ, kiện vị, bổ thận cố tinh.
Công dụng
Ở Trung Quốc, rễ được dùng trị viêm dạ dày mạn tính, tỳ vị suy nhược, ăn uống không tiêu, chân tay yếu mỏi, di tinh.
Liều dùng
20 – 40g rễ khô sắc nước uống; thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Ghi chú
Còn một loài khác lá Polyalthia simiarum Benth. et Hook. f. gọi là Quần dầu khỉ, chỉ mọc ở Đồng Nai (Biên Hoà) có vỏ được sử dụng ở Ân Độ làm thuốc trị bò cạp đốt.
Để lại một bình luận