Kê cốt thảo, thuốc thanh nhiệt lợi tiểu
Kê cốt thảo – Abrus pulchellus Wall. ex Thw. subsp. cantoniensis (Hance) Verde., thuộc họ Đậu – Fabaceae.
Mô tả
Dây leo gỗ, dài 60cm, đường kính 12mm, có lông mềm màu vàng nâu. Lá có 7 – 12 cặp lá chét nhỏ, dài 5 – 12mm, rộng 3 – 5mm, dạng tim, có lông xám. Cụm hoa ở ngọn hay nách lá, thành chuỳ mảnh, thẳng, dài 2 – 6cm; hoa dài 6mm, màu tím hồng nhạt. Quả đậu dài 3cm, có 4 – 5 hạt, bóng, màu nâu đen và nâu vàng nhạt.
Ra hoa và mùa xuân, mùa hạ.
Bộ phận dùng
Toàn cây – Herba Abri Cantoniensis.
Nơi sống và thu hái
Loài phân bố ở Trung quốc, Thái lan và Việt Nam, thường gặp dọc đường đi, gần các khu dân cư, tới độ cao 500m. Ở nước ta, có gặp ở Buôn Ma thuột, tỉnh Đắc lắc. Thu hái toàn cây quanh năm, tách bỏ quả, rửa sạch phơi khô dùng.
Tính vị, tác dụng
Vị ngọt, nhạt, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, giảm đau.
Công dụng
Ở Trung quốc, người ta dùng toàn cây trị: 1.Viêm gan cấp và mạn tính, hoàng đản, xơ gan cổ trướng, đau gan; 2. Viêm nhiễm đường tiết niệu, đái ra máu; 3. Phong thấp đau nhức xương khớp, đòn ngã tổn thương; 4. Viêm hạch bạch huyết cổ, rắn cắn; 5. Nóng sốt vào mùa hạ.
Rễ được dùng trị ứ huyết, nội thương và làm thuốc thanh lương giải nhiệt.
Liều dùng 30 – 60g, dạng thuốc sắc.
Đơn thuốc
Vàng da: Kê cốt thảo 30g, nấu sôi với 8 quả Chà là đỏ.
Bệnh đường tiết niệu, đái ra máu: Kê cốt thảo 30g, Chó đẻ răng cưa 15g, Bòng bong 10g, nấu nước uống.
Để lại một bình luận